Những bộ phận cơ thể mất đi, con người vẫn sống

Lá lách

Lá lách nằm ở phía bên trái của bụng, sát với xương sườn. Bao bọc xung quanh lá lách là một lớp mô mỏng như giấy nên dễ dàng bị rách khi bị va chạm, chấn thương mạnh. Máu chảy ra từ lá lách khi xảy ra chấn thương vùng bụng khi mất lớp bao bọc có thể khiến người bệnh tử vong. Lá lách có hai màu: đỏ đậm và những túi nhỏ màu trắng. Màu đỏ liên quan đến việc lưu trữ và tái tạo tế bào hồng cầu, trong khi đó, màu trắng liên quan đến việc lưu trữ các tế bào bạch cầu và tiểu cầu. Nếu lá lách bị vỡ, có thể phải cắt bỏ nhưng bạn vẫn có thể sống khi thiếu bộ phận này. Các cơ quan khác trong cơ thể sẽ đảm nhiệm hầu hết các chức năng do lách thực hiện. Điều này do gan đóng vai trò trong việc tái tạo tế bào hồng cầu và các mô bạch huyết khác trong cơ thể sẽ đảm nhiệm chức năng miễn dịch của lá lách. Tuy nhiên, vì chức năng của lá lách giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng nên khi mất đi lá lách, người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, đặc biệt là sau khi mổ.

Dạ dày

Dạ dày thực hiện 4 chức năng chính là tiêu hóa bằng cách co bóp để nghiền nát thức ăn, tiết ra acid để phân hủy thức ăn, sau đó hấp thụ và bài tiết. Có những trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ dạ dày của người bệnh vì bệnh ung thư hoặc chấn thương. Bác sĩ sẽ nối trực tiếp thực quản với ruột non. Sau một thời gian phục hồi, bệnh nhân có thể ăn uống được bình thường bên cạnh việc bổ sung vitamin.

Một số bộ phận cơ thể mất đi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Một số bộ phận cơ thể mất đi nhưng không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Cơ quan sinh sản

Cơ quan sinh sản chính ở nam giới và nữ giới là tinh hoàn và buồng trứng. Nguyên nhân cơ quan sinh sản bị loại bỏ thường do ung thư hoặc chấn thương. Việc cắt bỏ tử cung sẽ khiến phụ nữ không thể sinh con, đồng thời ngừng chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng khi thiếu những bộ phận này, cơ thể con người vẫn sống bình thường. Trường hợp của một phụ nữ mắc Hội chứng Mayer - Rokitansky - Kuster - Hauser hiếm gặp khiến cô sinh ra đã không có âm đạo, không có kinh nguyệt nhưng vẫn có chu kỳ hormon. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ cắt bỏ buồng trứng không bị giảm tuổi thọ và thú vị là ở một số nam giới, việc cắt bỏ tinh hoàn còn giúp họ tăng tuổi thọ.

Đại tràng

Đại tràng là nơi tiếp nhận thức ăn đã được tiêu hóa ở dạ dày và hấp thu từ ruột non chuyển đến. Nó có tác dụng hấp thu muối khoáng và nước từ thức ăn nhờ sự hỗ trợ phân hủy của các vi khuẩn tạo thành các chất thải (phân). Khi đại tràng bị cắt bỏ, bệnh nhân có thể phải mang một túi bên ngoài để chứa phân. Vì phân không thể di chuyển xuống hậu môn như bình thường, bác sĩ sẽ tạo ra một chỗ thoát, hay hậu môn nhân tạo trên thành bụng. Túi có kích thước bằng bàn tay. Hầu hết mọi người hồi phục sau phẫu thuật và quen với sự xuất hiện của hậu môn giả này.

Túi mật

Là nơi dự trữ mật do gan bài tiết ra. Khi ăn thức ăn, túi mật có chức năng co bóp để đẩy dịch mật qua đường mật vào ruột non giúp tiêu hóa thức ăn. Những nơi lắng đọng bất thường của các thành phần chính trong dịch mật sẽ hình thành nên bùn mật, sỏi mật. Sỏi mật thường gây ra đau đớn, thậm chí làm tắc nghẽn các ống mật. Khi điều này xảy ra, bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt túi mật. Mỗi năm, có khoảng 70.000 người thực hiện thủ tục phẫu thuật này ở Anh.

Ruột thừa

Ruột thừa là một túi mỏng hình con giun dài gắn liền với ruột già. Ruột thừa là nguồn dự trữ vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa đặc biệt hữu ích khi cơ thể bị tiêu chảy nặng. Ruột thừa cũng giúp bù đắp lượng vi khuẩn tốt và chống lại sự tấn công của vi khuẩn xấu. Người bị viêm ruột thừa sẽ có triệu chứng đau ở quanh rốn rồi lan sang bụng phải. Đôi khi người bệnh thấy cơn đau biến mất và cảm thấy mình đã khỏe. Tuy nhiên, nó có thể báo hiệu ruột thừa bị vỡ, chất lỏng thấm vào ổ bụng sẽ gây ra nhiễm trùng và viêm phúc mạc. Trong trường hợp này, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật ngay lập tức để làm sạch khoang bụng nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

Thận

Hầu hết mọi người đều có hai quả thận nhưng nhiều người vẫn sống sót nếu còn lại một quả, thậm chí không còn quả thận nào nhờ sự giúp đỡ của máy chạy thận nhân tạo. Thận có chức năng lọc máu để duy trì nước và cân bằng điện giải cũng như cân bằng axit - bazơ trong máu. Các chất không cần thiết sẽ được đào thải qua nước tiểu. Có nhiều lý do khiến phải cắt bỏ một bên hoặc cả hai bên quả thận như thận tổn thương nặng nề do rượu hoặc ma túy, thậm chí bị nhiễm trùng. Nếu người bệnh bị cắt bỏ cả hai quả thận, họ sẽ phải được tiến hành lọc máu. Nếu một người phải chạy thận, tuổi thọ của họ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại máy chạy thận, giới tính, độ tuổi, các bệnh tật khác mà bệnh nhân đang mắc phải. Nghiên cứu gần đây cho thấy một người chạy thận lúc 20 tuổi có khả năng sống thêm 16-18 năm, trong khi đó, bệnh nhân 60 tuổi phải chạy thận chỉ có thể sống được thêm 5 năm.

Quang Thành

((Theo Iflscience, 4/2018))

Cắt lá lách có ảnh hưởng khả năng sinh con?

Phạm N.D (phucbua94nd@gmail.com)

Trong thư bạn không nói rõ bạn bị cắt lách do chấn thương dập vỡ lách hay lách to do bệnh nội khoa như bệnh Thalassemia. Những người bệnh này khi bị lách to phải cắt để phòng tránh nguy cơ chấn thương gây vỡ lách dẫn đến chảy máu ồ ạt sẽ nguy hiểm tính mạng. Dưới đây là những điều bạn nên biết về bệnh Thalassemia: 2 người bị Thalassemia không nên lập gia đình dù thể nhẹ vì người bị Thalassemia nhẹ hoặc người mang gene bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu 2 người bị Thalassemia nhẹ kết hôn với nhau thì con sinh ra có 25% nguy cơ bị Thalassemia thể nặng do nhận cả 2 gene của bố và mẹ truyền cho, 50% khả năng con bị bệnh mức độ nhẹ do gene bệnh của bố hoặc của mẹ truyền cho, 25% khả năng con bình thường. Trường hợp 2 người cùng mang gene bệnh Thalassemia kết hôn với nhau, nên được tư vấn trước khi dự định có thai. Nếu cặp vợ chồng cùng mang một thể bệnh Thalassemia có thai, nên được chọc ối chẩn đoán trước sinh tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi là bạn và bạn đời nên khám tư vấn di truyền trước khi kết hôn. Nếu đã kết hôn thì khi mang thai cần chọc ối để kiểm tra xem thai nhi có mang gene bệnh không, từ đó quyết định có cần phải chấm dứt thai nghén hay không.

BS. Nguyễn Kim Dung

Đề phòng say nắng, say nóng mùa hè

Nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và thậm chí gây tử vong.

Những nguyên nhân

Say nắng: tình trạng thân nhiệt tăng cao quá mức (thường trên 400C) xẩy ra do cơ thể bị tăng thân nhiệt sau một thời gian dài bởi cơ thể khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, hoặc tắm biển, sông, ao hồ khi trời nắng gắt, nhiều tia nắng mặt trời (tia cực tím) sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy (tương ứng với vùng hành tủy của não bộ). Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể, trong khi cơ thể chưa thích nghi kịp và cơ thể bị mất nước, làm tổn thương hệ thống thần kinh kiểm soát thân nhiệt. Say nắng thường biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu, có thể có nhiều dấu hiệu thần kinh sớm, rất rõ tổn thương có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

Say nóng: tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Say nóng thường do phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)... dưới trời oi bức sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó gây nên tình trạng mất nước trầm trọng của cơ thể là chủ yếu.

Đề phòng say nắng, say nóng mùa hèĐặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt một cách  đột ngột

Biểu hiện

Các biểu hiện của say nắng tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian ở ngoài nắng. Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt một cách đột ngột trong khi đó không ra mồ hôi. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước và chất điện giải (muối) lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như: tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Lời khuyên của thầy thuốcKhông làm việc quá lâu hoặc đi lại hoặc chơi thể thao trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Sau mỗi một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy nên nghỉ giải lao khoảng 1 - 15 phút. Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất). Cần mang theo đủ nước uống trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để bù nước kịp thời. Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng cần hạn chế đến mức tối đa ra nắng.

 

Vì vậy, người bị say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

Với thể nặng, thân nhiệt tăng cao (trên 400C), nạn nhân thường mất nước nghiêm trọng, da nóng (sờ vào sẽ rất đau), khô, mệt lả, đau đầu, chóng mặt, khó chịu, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy. Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của sốc nhiệt là thân nhiệt đột ngột tăng cao. Đồng tử thu nhỏ lại. Nạn nhân có thể bị ngất xỉu, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức, bất tỉnh hoặc đột quỵ, hôn mê.

Hậu quả

Nếu để xảy ra say nắng, say nóng sẽ rất nguy hiểm, có thể giết hoặc gây tổn thương cho tế bào thần kinh trung ương (tế bào não) và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Bởi vì, say nắng, say nóng bao giờ cũng dẫn đến một tình trạng tăng cao thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng cao sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Hiện tượng này sẽ dẫn tới hậu quả làm giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng và có thể gây tử vong, nếu cấp cứu không lịp thời. Một yếu tố nguy cơ khác là khi thân nhiệt tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như: tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Xử trí

Trước mọi trường hợp bị say nắng, say nóng, cần sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế, đưa ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, nhanh chóng lấy nước đổ lên đầu, vẩy nước lên người nạn nhân hoặc lấy khăn thấm nước mát phủ lên người mục đích để giảm thân nhiệt. Nếu cơ thể nóng bừng và không thể đổ mồ hôi, lúc đó có thể nạn nhân đang bị mất nước, cần làm mát cơ thể bằng uống nước mát có pha muối là tốt nhất hoặc trực tiếp đổ nước lên người. Nếu có điều kiện nên chườm mát (bằng khăn sạch nhúng nước mát) ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như: hai vùng nách, hai vùng bẹn, cổ nhằm nhanh chóng làm giảm thân nhiệt cho nạn nhân. Đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi say nắng, say nóng nguyên nhân là do thân nhiệt tăng và mất nước. Lưu ý không nên dùng nước đá để hạ nhiệt, bởi vì làm như vậy nhiệt không hạ nhưng có thể làm cho tim đập nhanh, thậm chí đột qụy.

Nếu nạn nhân không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở hoặc bất tỉnh cần nhanh chóng kêu gọi mọi người hỗ trợ, gọi xe để nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG

Dị ứng hải sản, từ nhẹ đến tối cấp

Tuy vậy, dị ứng hải sản cũng chỉ xảy ra trên một số ít người nhạy cảm với loại thực phẩm này mà thôi.

Tại sao hải sản lại gây dị ứng?

Nguyên nhân gây dị ứng do hải sản có 3 loại: thứ nhất là do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein “lạ”, khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng. Thứ hai là một số protein có trong hải sản chỉ đóng vai trò là một “bán kháng nguyên - hapten” hay kháng nguyên không đầy đủ. Loại này khi vào cơ thể sẽ kết hợp với nhóm “quyết định kháng nguyên” sẵn có gây nên dị ứng. Nguyên nhân thứ ba là do một số hải sản có chứa nhiều chất histamin. Chất này khi vào cơ thể cũng gây nên các triệu chứng như dị ứng.

Như vậy, các protein trong hải sản có thể là kháng nguyên, bán kháng nguyên đối với người bị dị ứng hải sản mà lại là những protein bình thường đối với tuyệt đại đa số những người không bị dị ứng hải sản. Còn hiện tượng hải sản có nồng độ histamin cao thì có thể gây triệu chứng cho tất cả mọi người ăn phải (hiện tượng ngộ độc histamin).

Đối với dị ứng hải sản, các phản ứng dị ứng (đặc biệt là sốc phản vệ) không phụ thuộc số lượng ăn vào nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.

Hải sản chứa nhiều protein bổ dưỡng và các histamin nên dễ gây dị ứng.

Hải sản chứa nhiều protein bổ dưỡng và các histamin nên dễ gây dị ứng.

Dị ứng hải sản: từ mẩn ngứa đến những triệu chứng tối cấp

Dị ứng hải sản biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau sau khi ăn hải sản. Hàng đầu là các biểu hiện ngoài da như đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay. Các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất, hôn mê. Các tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng. Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản. Các biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa. Đặc biệt là triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp... Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Xử trí thế nào?

Xử trí dị ứng hải sản bao gồm cho các thuốc chống dị ứng như kháng histamin (clarytin), corticoid (methyprednisolon) đường uống hoặc tiêm truyền đường tĩnh mạch. Có thể cho thêm vitamin C và các thuốc chống viêm đường uống khác. Khi có sốc phản vệ xảy ra, thuốc đầu tiên được chọn là adrenalin, sử dụng đúng theo phác đồ cấp cứu như bất cứ một sốc phản vệ nào khác. Adreanin có thể khí dung, tiêm dưới da, tiêm, truyền tĩnh mạch tùy tình trạng bệnh nhân.

Dị ứng hải sản từ nhẹ là đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay rồi phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng; nặng là triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch.

Dị ứng hải sản từ nhẹ là đỏ da, mẩn ngứa, nổi mày đay rồi phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng; nặng là triệu chứng sốc phản vệ khi có trụy tim mạch.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nói chung, trừ trường hợp dị ứng do ăn phải loại hản sản có chứa nhiều histamin, tất cả những người đã được xác định là dị ứng với hải sản nên tránh ăn uống, tiếp xúc với những loại thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản. Hết sức chú ý khi đi ăn nhà hàng, nên xem kỹ thực đơn, thành phần, nguồn gốc thức ăn để tránh ăn nhầm hải sản. Nên tránh xa khu vực chế biến hải sản vì khi hít phải hơi thức ăn loại này cũng có thể bị dị ứng. Thậm chí dị ứng cũng xảy ra nếu dùng chung bát đĩa… đựng hải sản của người khác. Không nên ăn các loại hải sản đã chết hoặc chế biến không đảm bảo do loại thức ăn này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn. Cuối cùng, một người bị dị ứng cua biển cũng rất nên thận trọng khi ăn các đồ biển khác như ghẹ, mực, tôm, sò… vì có thể bị dị ứng chéo, không kém phần nguy hiểm.

PGS.TS. Vũ Đức Định

Ái kỷ

Người bệnh chỉ quan tâm đến bản thân, tự thổi phồng bản thân, muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu đồng cảm với người khác. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời.

Rối loạn nhân cách ái kỷ bao gồm hành vi kiêu ngạo, thiếu sự đồng cảm với mọi người và có nhu cầu nhận được mọi ngưỡng mộ - thể hiện rõ trong công việc và những mối quan hệ. Những người ái kỷ thường được mô tả là những người tự phụ, luôn xem mình là trung tâm, lôi cuốn và luôn đòi hỏi. Những người ái kỷ có tính cách thất thường và luôn tin rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt. Những rối loạn nhân cách có liên quan gồm: chống đối xã hội, ranh giới, kịch tính. Tự kiêu là mức độ nhẹ hơn của rối loạn nhân cách ái kỷ. Tự kiêu có những biểu hiện như sự tự phụ, sự lôi cuốn, ích kỷ, thích kiểm soát, một tình yêu huyễn hoặc với bản thân trong gương.

Triệu chứng thường gặp

Bệnh ái kỷ thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Người bị bệnh ái kỷ thường có các triệu chứng: Phản ứng gay gắt khi nhận được những lời nhận xét hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị ai đó nhắc tới hoặc góp ý. Lợi dụng người khác để đạt được mục tiêu của mình. Thổi phồng tài năng và khả năng của mình. Phóng đại tầm quan trọng của bản thân. Luôn mong muốn mọi người chú ý và ngưỡng mộ mình. Phớt lờ hoặc không có sự đồng cảm với người khác. Hay ảo tưởng về sự thành công của bản thân và nhạy cảm quá mức với những thất bại của mình. Cùn mòn về cảm xúc với mọi người, thiếu kĩ năng đồng cảm. Ám ảnh về bản thân. Theo đuổi những mục đích ích kỷ.

Những người nhân cách ái kỷ thường có hình ảnh bản thân cao. Tuy nhiên, sự yêu mến bản thân này rất khác biệt. Những người có hình ảnh bản thân cao thường rất khiêm tốn, trong khi đó những người ái kỷ lại tự cao tự đại. Những nghiên cứu mới nhất đưa ra những bằng chứng cho rằng người ái kỷ có thể có cả sự an toàn hoặc phô trương cả bên trong lẫn bên ngoài. Nhìn bên ngoài có thể kết luận rằng nhân cách ái kỷ sẽ có khuynh hướng trở nên phòng vệ mỗi khi hình ảnh bản thân của họ bị đe dọa. Người ái kỷ cũng có thể rất hung hăng. Lối sống đôi lúc nguy hiểm, nhìn chung phản ánh nhu cầu tìm kiếm cảm xúc và xung năng (ví dụ: quan hệ tình dục phóng túng, chi tiêu táo bạo).

Đồng thời, người ái kỷ thường có vẻ ngoài rất lôi cuốn và thu hút ánh nhìn vậy nên họ có lợi thế trong lần gặp gỡ đầu tiên. Tuy vậy, về lâu dài thì người ái kỷ sẽ dần trở nên u phiền đặc biệt là về phương diện xã hội (khó khăn trong mối quan hệ lâu dài). Thông thường sự xuống dốc của người ái kỷ thường diễn ra trước tuổi 30.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân của bệnh ái kỷ chưa thật sự rõ ràng. Có nhiều nghiên cứu và giả thiết cho rằng gene di truyền học đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách ái kỷ (khoảng 50%). Nhưng ảnh hưởng của môi trường cũng làm nên nhân cách ái kỷ. Yếu tố văn hóa cũng có thể dẫn tới nhân cách ái kỷ (ví dụ như xem những vai diễn ái kỷ trên TV, môi trường thù địch và chiến tranh). Các vấn đề về tâm sinh lý cũng có thể là một nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ái kỷ. Trường hợp bị ngược đãi, bỏ bê, nuông chiều và khen ngợi quá nhiều... cũng dễ dẫn đến ái kỷ.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc rối loạn nhân cách ái kỷ là: Bố mẹ đánh giá tầm quan trọng của con quá mức. Chỉ trích khi con sợ hãi và thất bại.

Căn bệnh khó điều trị

Trên thực tế, bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ là một trong những bệnh tâm lý có tỷ lệ người mắc bệnh không cao. Thế nhưng bệnh nhân ái kỷ đang dần tăng. Cũng giống như các bệnh rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó chữa. Một phần là vì người mắc bệnh không cho rằng họ bị bệnh và vì thế nên họ không tự đi tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất là dựa vào nói chuyện và khám phá tiềm thức người bệnh, hướng dẫn họ suy nghĩ tích cực hơn, tốt hơn. Lâu dài, các chuyên gia sẽ giúp người bệnh có cái nhìn sâu vào bên trong suy nghĩ của họ, giải đáp tại sao họ lại có thái độ và hành vi như thế với hy vọng rằng điều này sẽ giúp cho họ cải thiện hành vi của mình. Không có loại thuốc nào có thể chữa rối loạn nhân cách ái kỷ.

Liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị tốt nhất được bác sĩ tâm thần và bác sĩ tâm lý sử dụng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên trò chuyện hàng ngày với người bệnh để mối quan hệ thân mật hơn. Ngoài ra, còn có một phương pháp khác gọi là phương pháp nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp phát hiện ra niềm tin và hành vi không lành mạnh đồng thời thay thế bằng những hành động tích cực hơn. Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm cũng đôi khi được dùng ở bệnh nhân bị trầm cảm hoặc lo âu.

Ngoài ra người bệnh ái kỷ cần áp dụng những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh ái kỷ như: Có chế độ sinh hoạt phù hợp, giảm bớt các tương tác không cần thiết trên mạng xã hội. Cố gắng giảm căng thẳng bằng cách thiền, tập yoga hoặc thái cực quyền.

Luôn cởi mở, hòa đồng với mọi người. Tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng mà mình đang có, từ đó có những cách điều trị phù hợp. Đến cơ sở y tế nếu bạn nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc người khác.

BS. TÙNG ANH

8 giờ căng thẳng cắt 23kg khối u trên cơ thể thanh niên đi như bò trên đường

 

Khối u to khiến bệnh nhân phải cúi hết người để đi lại gần như bò trên đường

Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ BV Việt Đức đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn S. 34 tuổi, quê ở N.A. nhập viện với 1 khối u khổng lồ ước chừng 40-45 kg to hơn cả phần cơ thể còn lại của bệnh nhân. Khối u chiếm toàn bộ phần lưng mông và gần như toàn bộ đùi và cẳng chân bên trái của bệnh nhân. Khối u to đến nỗi bệnh nhân không thể đi lại bình thường mà phải cúi hết người ra phía trước gần như là bò trên đường mới đủ đối trọng với phần khối u như muốn kéo bệnh nhân ngã ngửa ra sau

Toàn bộ hình ảnh khối u khoảng 40-45kg trú ngụ trên cơ thể bệnh nhân S.                                                  Ảnh BVCC

Thông tin từ gia đình S. cho biết S là con thứ hai trong một gia đình hộ nghèo ở một huyện miền núi của N.A. Cậu bé lớn lên cùng với khối u vùng lưng và đùi, khối u phát triển theo tuổi và ngày càng to, chân to như chân voi và khối u ở lưng giống như cõng thêm một người nữa trên lưng. Nhà nghèo, gia đình không đủ tiền chạy chữa cho S. từ nhỏ. Có lúc khối u to quá đã vỡ ra ngoài khiến S. chảy máu đến ngất đi tưởng chết.

Mới đây, gia đình cũng đã cố gắng thu xếp vay mượn  để có tiền đưa S. ra Hà Nội khám bệnh. Khi S. đến khám tại Bệnh viện Việt Đức thì khối u khổng lồ đã phát triển hết toàn bộ vùng lưng mông và toàn bộ đùi gối T chiếm quá nửa cơ thể. Chỗ khối u bị vỡ để lại một vết loét sâu to hơn bàn tay hàng năm trời vẫn chưa liền.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ- Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân S. vào viện trong tình trạng nhợt nhạt suy kiệt thiếu máu nặng do mất máu mạn tính, đi lại thì rất khó khăn gần như phải bò xuống đường hoặc ngồi xe lăn vì không đủ sức vác nổi khối u. Cả cổ xương đùi bên trái cũng đã biến dạng và gãy gục vì phải vác 1 khối u quá to trong nhiều năm. Nhiệt độ khối U cũng nóng hơn bình thường 1 đến 2 độ chứng tỏ trong khối u có sự tăng sinh mạch máu rất lớn dẫn đến nguy cơ chảy máu cao trong mổ .

Thăm khám lâm sàng các BS chẩn đoán bệnh nhân bị chứng bệnh u xơ thần kinh. Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu chẩn đoán hình ảnh để đánh giá mức độ tình hình khối u và sức khỏe bệnh nhân.

“Các kỹ thuật viên cũng rất kinh ngạc  khi  thấy u to đến nỗi không thể đưa bệnh nhân vào lồng chụp cộng hưởng từ được do đó không phân biệt được đâu là khối u và đâu là dây thần kinh. Nguy cơ cắt bỏ dây thần kinh hông khoeo to ở vùng mông dẫn đến liệt hoàn toàn chi dưới là rất cao”- PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay.

Các bác sĩ đang tiến hành ca phẫu thuật giải thoát khối u xơ thần kinh cho bệnh nhân S.                                                  Ảnh BVCC

3 khó khăn trong việc "giải thoát" khối u có trọng lượng lớn hơn cơ thể bệnh nhân

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, đối với trường hợp của bệnh nhân S, để thực hiện giải phóng khối u này, các chuyên gia đã khó khăn đặt ra các khó khăn để tìm cách hóa giải.

Khó khăn thứ nhất là khối u của bệnh nhân S. quá to chiếm quá nửa cơ thể của bệnh nhân, riêng trọng lượng khối u có thể lên đến 40-45 kg nên nếu cố gắng cắt hết u trong một lần phẫu thuật có thể bệnh nhân sẽ không qua khỏi thậm chí là tử vong trên bàn mổ.

“Các bác sĩ đã quyết định phải tiến hành phẫu thuật theo nhiều giai đoạn ít nhất là hai lần. Lần đầu lấy tối đa khối u vùng lưng và mông của bệnh nhân. Nếu như bệnh nhân có thể bình phục được sau lần mổ thứ nhất thì sẽ tiến hành cắt tiếp khối u vùng đùi gối bên trái, thậm chí có thể phải tháo bỏ khớp háng bên trái nếu chảy máu quá nhiều”- PGS.TS Hà thông tin.

Khó khăn tiếp theo được kể đến là do khối u quá to không thể đưa vào lồng chụp cộng hưởng từ được nên không thể phân biệt được giữa khối u và các dây thần kinh vận động cho hai chân. Vì vậy sẽ rất nguy hiểm trong lúc mổ bóc khối u rất dễ gây tổn thương vào thần kinh hông khoeo dẫn đến liệt hai chi dưới.

Và khó khăn cuối cùng là khối u tăng sinh mạch máu rất nhiều chảy máu dữ dội trong mổ vì vậy các bác sĩ đã phải dùng đến hai dao siêu âm cực lớn vốn chỉ được  dùng cầm máu trong cắt gan để vừa mổ vừa hàn mạch, giảm nguy cơ chảy máu.

Trước thực tế này, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa trong toàn bệnh viện: Hàng chục chuyên gia từ các chuyên khoa như Huyết học, Truyền máu, Thận lọc máu, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình … phối hợp với các bác sỹ Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ thăm khám kỹ càng và đề ra phương án điều trị lâu dài cho người bệnh.

23 kg khối u trên tổng số 40kg khối u được cắt ra khỏi cơ thể bệnh nhân S.                                                   Ảnh BVCC

Kíp phẫu thuật huy động hơn 10 phẫu thuật viên và 20 nhân viên, bác sỹ khu mổ và gây mê hồi sức. Sau hơn 8 tiếng phẫu thuật các bác sỹ đã cắt gần hêt khối u vùng lưng và mông khoảng 23 kg (Phần u lớn đùi và gối trái không thể phẫu thuật cùng lúc nên phải để chờ phẫu thuật tiếp theo). Tổng lượng máu phải truyền cho bệnh nhân là hơn 5 lít.

TS. Đào Văn Giang, một thành viên của kíp mổ cho biết, hiện bệnh nhân đã qua giai đoạn hồi sức tích cực nhưng vẫn còn trong tình trạng phải theo dõi sát chức năng tim phổi, thận, gan có thể hồi phục như thế nào sau một ca mổ kéo dài và rất lớn này. Bệnh nhân cũng cần điều trị kháng sinh tốt để chống nhiễm trùng. Tiếp tục truyền máu, truyền đạm nâng cao thể trạng và giúp cho quá trình liền vết thương.

Về lâu dài nếu tình trạng bệnh nhân ổn định sau lần mổ đầu tiên thì có thể tính đến phẫu thuật tiếp để lấy bớt khối u vùng đùi và gối trái, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho bệnh nhân và phòng ngừa nguy cơ ung thư hóa.

Theo Th.S Trần Thị Thanh Huyền khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Việt Đức, U xơ thần kinh (Neurofibromatosis NF) thường có 3 typ. Trong 3 loại này loại typ 1 (NF1) là hay gặp nhất, nó còn được gọi là bệnh Von Recklinghausen hay u xơ thần kinh biểu hiện ở da, sau đến typ 2 thường biểu hiện ở trong nội tạng hay trong hệ thần kinh trung ương và typ 3 hiếm gặp. Tỷ lệ mắc bệnh Von Recklinghausen (NF1) là 1/2000 dân; typ 2 là 1/35.000 dân.Một trong những nguyên nhân của bệnh NF1 là do biến đổi cấu trúc gen trên nhiễm sắc thể số 17, sự biển đổi này ảnh hưởng đến gen quy định về xơ sợi thần kinh làm phát triển khối u theo chiều hướng ác tính hoặc lành tính. Theo y văn thế giới tỷ lệ di truyền của bệnh này là 50/50, như vậy có những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nhưng không có thành viên nào trong gia đình mắc bệnh. Hiểu theo cách khác là nếu một trong hai bố mẹ bị bệnh thì tỉ lệ có thể bị bệnh của con cái là 50/50.Điều trị gồm phẫu thuật cắt bỏ u tận gốc chỗ ra của dây thần kinh bị bệnh, xạ trị, hóa chất và phẫu thuật tạo hình.NF rất dễ tiến triển thành ung thư nên phải thường xuyên kiểm tra giải phẫu bệnh các khối u. Đây là bệnh lý do biến đổi gen nên nếu bệnh nhân có khối u xơ thần kinh cần xin ý kiến chuyên gia di truyền về khả năng truyền bệnh trước khi có con.

 

Thái Bình

Nguy cơ tử vong do phình động mạch chủ bụng

Phình ĐMC bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp phim cắt lớp vi tính. Tiêu chuẩn chẩn đoán phình ĐMC khi một đoạn ĐMC giãn ra ít nhất gấp 1,5 lần kích thước bình thường của nó.

Dấu hiệu khi bị phình và đe dọa vỡ phình

Triệu chứng đau vùng bụng, đau thường khu trú tại vùng hạ vị hay phía sau lưng. Cảm giác đau thường liên tục, bứt rứt kéo dài hàng giờ đến nhiều ngày. Ngược lại với đau cơ xương vùng lưng, vận động không ảnh hưởng đến cảm giác đau do phình, mặc dù ở một tư thế nhất định nào đó có thể người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn.

Việc xuất hiện những cơn đau mới hay đau tăng lên thường xuất hiện đột ngột có thể báo trước sự giãn thêm ra hoặc đe doạ vỡ phình. Cơn đau có đặc điểm đau liên miên không dứt, dữ dội và khu trú ở sau lưng hay phần bụng dưới. Cảm giác đau có thể lan xuống vùng bẹn, ra vùng hông, hay xuống chân. Vỡ phình thực sự kèm theo một cơn đau lưng đột ngột cùng với đau bụng và bụng căng cứng. Hầu hết các bệnh nhân đều có một khối, có thể sờ thấy ở bụng và đập theo nhịp tim kèm theo tụt huyết áp được xem là biểu hiện đặc trưng của phình ĐMC bụng.

Nguy cơ tử vong do phình động mạch chủ bụngCan thiệp nội mạch (stent-graft) ngăn ngừa vỡ phình động mạch chủ bụng.

Phình ĐMC bụng có các dấu hiệu dọa vỡ, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, tương tự như những tình trạng bệnh lý cấp tính ở bụng khác như cơn đau quặn thận, viêm ruột thừa, hay xuất huyết dạ dày - ruột.

Nguyên nhân gây phình ĐMC bụng

Có nhiều nguyên nhân gây ra phình ĐMC bụng. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây phình ĐMC bụng, tiếp theo là tuổi tác, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch. Giới tính và yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành phình ĐMC.

Tỷ lệ bị phình ĐMC bụng tăng nhanh sau 55 tuổi ở nam giới và 70 tuổi ở nữ giới. Xơ vữa động mạch được cho là nguyên nhân lớn gây phình ĐMC bụng. ĐMC bụng dưới thận chịu ảnh hưởng của quá trình vữa xơ động mạch nhiều nhất và là vị trí hay gặp của phình ĐMC bụng.

Điều trị thế nào?

Với phình ĐMC bụng có nguy cơ vỡ thấp (đường kính dưới 5cm) được điều trị nội khoa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ là điều quan trọng nhất.Kiểm soát chặt chẽ huyết áp và rối loạn lipid máu. Dùng thuốc chẹn bêta giao cảm làm giảm sự tiến triển của khối phình và giảm nguy cơ bị vỡ.

Nguy cơ tử vong do phình động mạch chủ bụngCần kiểm tra huyết áp thường xuyên để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Ảnh: TM

Bên cạnh phương pháp phẫu thuật kinh điển thay đoạn động mạch phình bằng đoạn động mạch nhân tạo thì hiện nay bác sĩ sẽ tiến hành điều trị can thiệp nội mạch (stent-graft). Bác sĩ sẽ đặt đoạn mạch nhân tạo đặt luồn qua da mà không cần phẫu thuật. Thời gian làm can thiệp thường chỉ kéo dài khoảng 60 phút. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chuyển về khoa theo dõi tiếp trong 2 ngày.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phình ĐMC bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, vì thế việc khám sức khỏe định kỳ đều đặn để có thể phát hiện bệnh sớm. Đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị phình ĐMC bụng hay những người trên 60 tuổi có tiền sử hút thuốc lá hay tăng huyết áp. Chụp cắt lớp vi tính, siêu âm ĐMC, chụp cộng hưởng từ là các phương pháp chẩn đoán có giá trị trong tầm soát bệnh. Khi phát hiện có phình động mạch chủ bụng thì quan trọng nhất là theo dõi tốc độ thay đổi kích thước túi phình để có quyết định điều trị can thiệp kịp thời tránh khối phình vỡ sẽ dẫn đến tử vong. Lưu ý, tỷ lệ tử vong do vỡ phình rất cao: 25% tử vong trước khi đến được bệnh viện và 51% tử vong trong bệnh viện mà chưa kịp làm phẫu thuật.

Nguy cơ trụy tim mạch do vỡ phình ĐMC bụngChoáng mất máu và các biến chứng của vỡ phình ĐMC có thể xảy ra nhanh chóng. Chảy máu sau phúc mạc có thể biểu hiện bằng tụ máu ở bên sườn và vùng bẹn. Vỡ vào khoang phúc mạc có thể dẫn đến căng cứng bụng, trong khi vỡ vào trong tá tràng biểu hiện bằng xuất huyết dạ dày - ruột ồ ạt. Dòng máu chảy qua chỗ phình bị rối loạn và có thể hình thành các cục máu đông dọc theo thành động mạch. Cục máu đông này cùng với những mảnh xơ vữa động mạch có thể trôi theo dòng máu gây thuyên tắc mạch và ảnh hưởng đến tuần hoàn của các động mạch phía xa. Tuy nhiên, vỡ phình ĐMC là nguy hiểm nhất. Khi vỡ phình ĐMC xảy ra thì có tới 80% các trường hợp bị vỡ vào phía sau phúc mạc bên trái và có thể làm hạn chế phần nào sự vỡ ra, trong khi hầu hết các trường hợp còn lại vỡ vào khoang phúc mạc và gây chảy máu không kiểm soát được dẫn đến truỵ tim mạch nhanh chóng.

BS. Trần Văn Khanh